Hoàng Hà Tùng, sinh năm 1956, là một họa sĩ đa tài, có nhiều cống hiến cho nền mỹ thuật Việt Nam.
Do phong cách sống phóng khoáng, nhiều năng lực, cảm xúc cùng phản ứng mãnh liệt, ông được bạn bè gọi tên thân yêu là “Tùng điên”. Một trong những “cơn điên” mới nhất: tuy là họa sĩ, ông lại thực hiện và đạo diễn nhạc kịch Chuyện Của Dòng Sông Ɖỏ (ba màn, sáu cảnh với kết cấu của 10 bài hát và ba điệu múa hòa quyện cùng hát chèo, Pop, Rock, Jazz).
Các bức tranh của Hoàng Hà Tùng đã được triển lãm từ 17 đến 29 tháng 9-2017 ở Kampen dưới sự bảo trợ của Stichting Workheart, Hòa Lan (http://www.workheart.nl/artists/stichting-workheart/). Ông đã mang theo 12 bức chân dung vẽ những nông dân Viêt Nam theo lối tự họa bằng mực nho trên giấy dó. Trong thời gian triển lãm tranh nói trên ông đã được các đồng nghiệp nghệ sĩ Hòa Lan đưa đi xem phong cảnh chung quanh Kampen để ông có cơ hội vẽ những nông dân của quốc gia này (lần này bằng sơn dầu). Kampen là thành phố (bao gồm cả thị xã IJselmuiden) nằm bên hai bờ sông IJsel thuộc tỉnh Overijsel. Vùng đất bên phía IJselmuiden được gọi là vùng đồng bằng IJsel, nơi có rất nhiều nông trại và sản xuất nông nghiệp quan trọng của Hòa Lan. Nơi đây cũng là vùng có rất nhiều sông nước, đồng cỏ, ruộng vườn để tạo cảm hứng sáng tác của Hoàng Hà Tùng. Các họa sĩ Hòa Lan đã kể rằng ông vẽ say mê cảnh và người ở đây trong những ngày qua. Các bức tranh mới đã hoàn thành hoặc đang thực hiện đều được trưng bầy ngay trong cuộc triển lãm (work in progress).
Ngoài nhiều lần triển lãm tác phẩm trong nước, ông đã có hai lần triển lãm ở Hoa Kỳ (2001) và Canada (2007). Quan điểm của ông về hội họa: “Hội họa là tất cả, là đời sống. Phải có vui có buồn. Vì thế nhìn tác phẩm của họa sĩ, đừng nhìn một bức tranh mà hãy nhìn cả quá trình sáng tạo của anh ta, tất cả sự viên mãn, bất hạnh, hạnh phúc... sẽ đều hiện lên qua tác phẩm”.
Quan điểm của ông về hội họa: “Hội họa là tất cả, là đời sống. Phải có vui có buồn. Vì thế nhìn tác phẩm của họa sĩ, đừng nhìn một bức tranh mà hãy nhìn cả quá trình sáng tạo của anh ta, tất cả sự viên mãn, bất hạnh, hạnh phúc... sẽ đều hiện lên qua tác phẩm”.